Trang chủ > Doanh nghiệp > Một số vấn đề của doanh nghiệp lớn ở Việt Nam

Một số vấn đề của doanh nghiệp lớn ở Việt Nam

Minh họa

Theo Điều 3 Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/11/2001, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Như vậy ở Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỷ đồng và số lao động trên 300 người đã được coi là doanh nghiệp lớn.

Đã đến lúc cần nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp lớn!

Nền kinh tế Việt Nam đang rất cần sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để góp phần tạo nên sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn và hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay Việt Nam có gần 300.000 doanh nghiệp, chiếm 96,5% trong số đó là DNVVN, hàng năm đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, thu hút khoảng 50% tổng số lao động trong doanh nghiệp và chiếm 17,46% tổng nộp ngân sách. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm hơn 3% số doanh nghiệp nhưng thu hút tới 50% tổng số lao động và chỉ riêng 50 doanh nghiệp hàng đầu trong Bảng danh sách xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Danh sách VNR500) đã đóng góp tới 36,2% tổng thu ngân sách của cả nước. Cần phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (doanh nghiệp VNR500) đã và đang giữ vai trò chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian đăng ký thành lập, nhưng nó chưa giúp họ có thể phát triển từ cơ sở kinh doanh nhỏ thành những doanh nghiệp lớn. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển về quy mô, đặc biệt là khu vực tư nhân, cần phải xét lại từ yếu tố nền tảng là luật pháp. Luật pháp phải được thiết kế sao cho thực sự trở thành công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không chỉ có chính sách ưu đãi DNNVV mà còn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn phát triển. Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 nếu các doanh nghiệp lớn thành công. Đã đến lúc đóng góp của các doanh nghiệp lớn – các nắm đấm chủ lực của nền kinh tế – cần được ghi nhận đúng mức, và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần được hưởng những biện pháp hỗ trợ thích hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và sự ủng hộ của xã hội để có thể nâng cao sức cạnh tranh, trở thành các tập đoàn đa quốc gia và đóng góp tích cực hơn nữa cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Ở Việt Nam có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có Cục phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng chưa có Hiệp hội các doanh nghiệp lớn (hiện tại chỉ có Câu lạc bộ 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (CLB VNR500) là tổ chức đầu tiên của các doanh nghiệp lớn), Cục phát triển doanh nghiệp lớn. Xuất phát từ vai trò của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, rõ ràng cần có một tổ chức của doanh nghiệp lớn và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn! Doanh nghiệp lớn cũng có những vấn đề cần lưu ý giải quyết như vấn đề quản trị, vấn đề nhân sự, thách thức tăng trưởng, vấn đề thương hiệu .
Vấn đề quản trị và nhân sự trong doanh nghiệp lớn

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khi xếp hạng 200 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã khẳng định rằng, chưa một doanh nghiệp nào vượt qua quy mô vừa so với tiêu chí chung của thế giới. Ngân hàng Thế giới vẫn xếp hạng rất thấp tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam vì lý do doanh nghiệp quản trị kém… Có thể nói không chỉ là quy mô mà cả sự bền vững của doanh nghiệp lớn Việt Nam đều chưa đạt chuẩn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ điều kiện, nhất là về trình độ, năng lực để tiếp cận được tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được coi là có nhiều thuận lợi hơn cả trong ý thức lẫn khả năng về nguồn lực để cải thiện năng lực quản trị tuy nhiên theo đánh giá từ phía các chuyên gia quốc tế thì các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn xa mới đạt được những tiêu chí về quản trị theo thông lệ quốc tế.

Quản trị doanh nghiệp tốt cũng được coi là chìa khoá mở ra cánh cửa hợp tác với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng như tăng cường tính khả thi của các mối giao lưu với doanh nghiệp thế giới. Những băn khoăn về khả năng doanh nghiệp Việt Nam có ngồi được cùng bàn, có đủ sức chơi cùng một sân hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng doanh nghiệp của Việt Nam bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị như thế nào.

Các doanh nghiệp lớn cần xây dựng và thực hiện quy chế quản trị công ty nhưng trong cơ chế quản trị chuẩn mực, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề năng lực quản trị, năng lực điều hành, vấn đề xây dựng đội ngũ kế cận. Quản trị và điều hành DNNVV là một việc khó khăn, quản trị và điều hành doanh nghiệp lớn càng khó khăn gấp bội. Một người đứng đầu doanh nghiệp lớn, không chỉ cần có tài năng lãnh đạo, mà còn phải có bản lĩnh của một doanh nhân, có tầm nhìn xa và phải thấu hiểu và yêu thương doanh nghiệp như chính một phần cuộc sống của mình.

Minh họa

Thách thức tăng trưởng đối với doanh nghiệp lớn
Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng khá ngoạn mục trong các năm 2004-2007. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp VNR500 trong giai đoạn 2005-2007 còn lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng doanh thu, đạt xấp xỉ 25%/năm. Môi trường kinh doanh thuận lợi trong những năm này đã khiến các doanh nghiệp tích lũy được nguồn vốn thặng dư khá cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VNR500 luôn được sự ưu ái của các ngân hàng vì những doanh nghiệp này có thu nhập tốt, dòng tiền ổn định và uy tín vững vàng.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp lớn đang đứng trước thách thức tăng trưởng. Cần nhận thức rằng tăng trưởng chỉ là công cụ, tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng. Một doanh nghiệp tăng trưởng thành công phải có khả năng tăng lợi nhuận bền vững để giúp đồng vốn / cổ phiếu tăng giá trị. Ở đây có thể nhắc lại câu nói nổi tiếng của Rod Mcqueen: “(Theo đuổi) doanh số chỉ là phù phiếm, (theo đuổi) lợi nhuận mới là sáng suốt”

Để tăng trưởng, doanh nghiệp có thể chọn chiến lược phù hợp: tự tăng trưởng bằng thực lực như tăng vốn chủ sở hữu hay dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, liên doanh, liên minh chiến lược, mua bán và sáp nhập… Một trong những vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp là thay đổi cơ cấu sở hữu vốn. Người sở hữu doanh nghiệp lớn có thể tự trả lời những câu hỏi đơn giản như: Mình muốn nắm giữ 100% vốn của một doanh nghiệp trị giá 5 tỷ, hay nắm giữ 50% (hay thậm chí chỉ 30%) vốn của một doanh nghiệp trị giá 50 tỷ? Mình muốn bỏ toàn bộ vốn liếng để là chủ nhân duy nhất của một doanh nghiệp chỉ đạt tỉ lệ sinh lời 20%, hay chỉ là một cổ đông hay thành viên trong một doanh nghiệp nhờ có quy mô lớn nên tiềm năng lợi nhuận ít nhất là 30%?

Vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp lớn
Điểm yếu của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong xây dựng thương hiệu là chưa nghĩ đến chuẩn quốc tế hay ít ra là tầm khu vực. Nhiều doanh nghiệp lớn mới chỉ hướng tới định vị sản phẩm của mình là Hàng Việt Nam chất lượng cao, thừa nhận sản phẩm mình là sản phẩm nội địa, thể hiện sự tự ti nếu so với thị trường thế giới. Những sản phẩm chất lượng cao theo chuẩn quốc tế không bao giờ tự quảng cáo là hàng Mỹ chất lượng cao hay hàng Nhật chất lượng cao. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nên nâng tầm suy nghĩ khi xây dựng thương hiệu để có những thương hiệu tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tất nhiên để đạt được mục tiêu đó thì phải tiến hành từng bước:, trước tiên cần chinh phục khách hàng trong nước, phát triển ra khu vực rồi mới nhắm đến thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp cần có ước mơ lớn nhưng phải dựa trên nền tảng những bước đi thực tế, có hoạch định chiến lược cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng quảng cáo chỉ là một phần của quá trình xây dựng thương hiệu, vì nó chỉ làm cho nhiều người biết đến chứ không làm thương hiệu mạnh lên. Để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp lớn còn cần đến cả một chiến lược tổng thể về nhân sự, tài chính…

TS. Phạm Trí Hùng

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này